Khám Phá Trang Phục Cưới Truyền Thống Việt Nam Các Thời Kỳ

Khám Phá Trang Phục Cưới Truyền Thống Việt Nam Các Thời Kỳ

Nội dung bài viết

    Trang phục cưới truyền thống Việt Nam luôn mang trong mình vẻ đẹp tinh tế, phản ánh văn hóa và phong tục tập quán của từng thời kỳ lịch sử. Từ những bộ áo tứ thân, áo ngũ thân cho đến áo Nhật Bình và áo dài truyền thống, mỗi trang phục đều phản ánh những đặc điểm văn hóa - xã hội thời kỳ đó.

    Bài viết sau của HEHADA sẽ đưa bạn khám phá sự biến đổi của trang phục cưới người Việt qua các thời kỳ, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về sự phát triển của áo dài ngày nay và đặc điểm văn hóa của từng thời kỳ lịch sử Việt Nam.

    Trang phục cưới truyền thống Việt Nam các thời kỳ

    Trang phục cưới truyền thống của Việt Nam phản ánh văn hóa và phong tục tập quán của từng thời kỳ lịch sử. Để bạn dễ dàng theo dõi, bài viết này sẽ mô tả các loại áo cưới truyền thống Việt Nam theo dòng thời gian từ thời kỳ Hùng Vương cho đến ngày nay.

    Thời Hùng Vương - Nhà nước Văn Lang

    Nhũng hình ảnh mô tả tổ tiên người Việt đóng khố, sống như người nguyên thủy đã gây ra nhiều hiểu lầm về trang phục của thời kỳ Hùng Vương. Thực tế, theo những nghiên cứu từ trống đồng Ngọc Lũ và dao găm Đông Sơn, người Việt thời Hùng Vương đã có trang phục chính là một loại áo hai tà hoặc áo vạt trái và đội mũ lông chim.

    hoa văn trống đồng ngọc lũ

    Về trang phục nữ giới, dựa theo dao găm đồng Đông Sơn có thể thấy thời kỳ này người Việt đã có váy cạp cao, áo và một tấm vải đằng trước và đằng sau váy giống như trang phục dân tộc H'Mông ngày nay. Trong truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy nổi tiếng, có thể thấy người Việt xưa cũng đã có áo choàng lông chim dành cho những thành viên hoàng gia để biểu thị vị thế và uy quyền.

    trang phục dân tộc H'Mông

    Thời kỳ phong kiến (khoảng thế kỷ 17 - 18)

    Theo mô tả của Lê Quý Đôn về cuộc sống của người dân Đàng Trong, họ có lối sống xoa hoa hơn hẳn so với Đàng Ngoài dựa trên mô tả về trang phục và nếp sống. Cụ thể, "quan viên lớn nhỏ không ai là không nhà cửa chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn". Vật dụng trong nhà của các quan viên này vô cùng xa xỉ với "bàn ghế gỗ đàn", "chén mâm đồ sứ", "yên cương vàng bạc", "y phục gấm vóc" và "chiếu đệm mây hoa".

    Về trang phục, ông mô tả "những sắc mục ở dân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ty và áo sa, lương, địa làm đồ mặc ra vào thường". Trang phục nữ giới là "áo the và hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn". Trong cuốn "Xứ Đàng Trong" của Cristoforo Borri (1621), ông cũng mô tả người Việt mặc một loại trang phục có năm hay sáu áo, cái nọ chồng lên cái kia, màu sắc hài hòa. Theo nhiều người, đây có thể là áo mớ ba mớ bảy thời xưa.

    áo mớ ba mở bảy

    Trong cuốn "Tục cưới hỏi ở Việt Nam" do hai tác giả Bùi Xuân Mỹ - Phạm Minh Thảo cũng có mô tả về trang phục cưới truyền thống Việt Nam xưa. Cụ thể, cô dâu "thường mặc áo mớ ba, cài khuy kín yếm, để hở khuy cổ, quần lĩnh hoa chanh, dép cong, nón quai thao". 

    nón quai thao

    Thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19)

    Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trang phục cưới truyền thống Việt Nam thời nhà Nguyễn có sự khác biệt hẳn so với các triều đại trước về độ xa hoa.

    Theo cuốn "Đời sống cung đình triều Nguyễn" của Tôn Thất Bình, công chúa khi xuất giá "đội mũ ngũ phượng, mặc áo bào bằng đoạn bát ty màu đỏ, thêu hoa tròn và chim phượng; xiêm bằng đoạn bát ty màu bạch tuyết thêu chim phượng; đi hài màu đỏ thêu phượng". Mô tả này tương đồng với mô tả trong cuốn "Tục cưới hỏi ở Việt Nam" khi vào ngày cưới "công chúa đội mũ thêu năm con phượng, áo đỏ thêu hoa và phượng, xiêm trắng, hài đỏ". 

    trang phục công chúa nhà nguyễn

    Đến đời vua Minh Mạng, ông 4 lần ra chỉ dụ yêu cầu nhân dân miền Bắc thay đổi trang phục cho giống với nhân dân Đàng Trong. Tuy nhiên, nhân dân miền Bắc không tuân lệnh vua và vẫn giữ tập tục của mình. Thời điểm này, trang phục của phụ nữ có sự khác biệt giữa ba miền Bắc - Trung - Nam.

    Trang phục cưới truyền thống Việt Nam - miền Bắc 

    Trong cuốn "Phong tục Việt Nam" của tác giả Toan Ánh, đầu cô dâu thường vấn khăn vấn đầu lẳn, vắt vẻo đuôi gà. Về áo dài cưới, cô dâu mặc "áo ngũ thân không cài khuy, bên trong là áo màu nõn hoặc áo hoa đào, ngoài áo the lót nhiễu xanh". Kèm với áo là yếm lụa, thắt lưng màu mỡ gà hoặc màu hồng đào buông rủ và váy lụa có cạp cao.

    áo cưới truyền thống xưa miền bắc

    Nón ba tầm cũng là phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ miền Bắc trong các dịp lễ hội và cưới hỏi. Cùng với nón, cô dâu còn đeo bên mình một bộ xà tích bằng bạc. Tùy theo mức độ khá giả của gia đình, cô dâu còn có thể đeo vòng vàng, vòng ngọc hoặc xuyến vàng. 

    nón ba tầm

    Trang phục cưới truyền thống Việt Nam - miền Trung

    Ở miền Trung, mặc dù các cô dâu cũng mặc áo mớ ba nhưng khác miền Bắc là cài cúc kín, cổ áo trong cao hơn cổ áo ngoài để thấy rõ ba màu khác nhau. Tương tự, tà áo cũng khép kín nhưng mép tà vẫn để lộ ba màu. Nếu cô dâu miền Bắc mặc váy lụa thì cô dâu miền Trung lại chọn mặc quần lụa, tóc búi gọn, đeo kiềng vàng hoặc chuỗi ngọc, chân đi hài mũi cong.

    áo dài cưới truyền thống xưa miền trung

    Áo Nhật Bình là một loại cổ phục chỉ dành cho những người phụ nữ có địa vị tôn quý dưới thời nhà Nguyễn như hoàng hậu, công chúa hoặc cung tần. Triều Nguyễn có quy định về hoa văn, màu sắc, phụ kiện đi kèm cho áo Nhật Bình đối với từng đối tượng. Chính vì vậy, nhìn vào hoa văn và màu sắc của áo Nhật Bình thì có thể phân biệt được thân phận của người mặc.

    áo nhật bình

    Đặc điểm của loại áo này là có hai vạt song song, phần cổ thêu hoa văn tạo thành hình nhữ Nhật to trước ngực, hai vạt được cố định bằng dây buộc. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ (1945), áo Nhật Bình trở thành trang phục ai cũng có thể mặc và được phụ nữ Huế chọn làm trang phục cưới.

    áo cưới truyền thống việt nam

    Trang phục cưới truyền thống Việt Nam - miền Nam

    Tại miền Nam, cô dâu mặc lồng hai áo thì được gọi là áo cặp. Áo cặp của Nam Bộ được cho là biến thể của áo mớ ba mớ bảy ngày xưa. Tuy nhiên do khí hậu nóng bức nên được giản lược chỉ còn áo dài phủ lên quần lãnh đen, áo trong dài hơn áo ngoài để khoe các lớp áo màu khác nhau. Áo dài cưới ngày xưa của miền Nam vẫn là áo ngũ thân quen thuộc nhưng được cài kín cổ giống như miền Trung.

    Theo cuốn "Nhà ở - Trang phục - Ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long" của Phan Thị Yến Tuyết, các cô dâu và chú rể đều mặc áo thụng rộng màu xanh lót màu cánh sen. Cô dâu còn đeo xâu chuỗi hổ phách có hạt to bằng ngón tay cái, tai xỏ đôi bông búp bạc. Tóc cô dâu được búi gọn sau đầu, cài trâm vàng hoặc lược cong hai bên và đội nón quai cụ.

    áo dài cưới truyền thống xưa miền nam

    Trang phục chú rể

    Ngày xưa, chú rể thường mặc một chiếc áo the cặp áo trắng, bên trong là áo cánh với quần trắng và dây lưng điều. Nếu sang trọng hơn, cặp áo thay vì áo the phủ ngoài áo trắng thì có thể là áo kép đoạn kép lót nhiễu xanh, hồng hoặc vàng hay áo gấm màu lam. 

    Áo dài cưới truyền thống xưa cho nam giới hầu như không có nhiều thay đổi. Chú rể xưa thường mặc bên ngoài áo dài một loại áo lễ may thụng tay, hay gọi là áo tấc. Các áo lễ này có cổ chéo (giao lĩnh), cổ tròn (bàn lĩnh) hoặc cổ đứng tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên vì khá bất tiện, áo lễ chỉ được khoác bên ngoài khi thực hiện các buổi lễ, sau khi lễ kết thúc có thể được lược bỏ và chỉ còn áo dài may kép (có lớp lót bên trong).

    áo dài cưới truyền thống xưa chú rể

    Thời kỳ Pháp thuộc

    Dưới chính sách cai trị của Pháp, làn sóng văn hóa Tây Âu du nhập vào Việt Nam và có ảnh hưởng sâu rộng đến thị hiếu của người dân. Đầu những năm 1930, ở cả miền Bắc và miền Nam đều có xu hướng áo dài tân thời. Dựa trên áo ngũ thân truyền thống, áo dài tân thời không nối giữa thân trước thân sau, vạt con được cắt ngắn và được may chật hơn.

    áo dài truyền thống xưa

    Họa sĩ Cát Tường thời gian này đã đưa ra quan điểm của mình về cải cách áo dài sao cho phù hợp với khí hậu Việt Nam. Đồng thời, ông cũng thêm thắt các chi tiết theo trang phục của người phương Tây như tay bồng, tay lưng, cổ sen, cổ tròn,... Các mẫu áo dài này được gọi là áo dài Lemur. Tuy nhiên, áo dài Lemur không được ưa chuộng lâu dài vì quá táo bạo.

    áo dài lemur

    Thời kỳ kháng chiến (Từ 1945 - 1975)

    Theo cuốn "Trang phục Việt Nam" của tác giả Đoàn Thị Tình, trải qua một thời gian đấu tranh về quan điểm thẩm mỹ và bảo vệ tính dân tộc, áo dài cưới truyền thống Việt Nam đã được phục hồi với cổ cao từ 1 - 2 cm, vạt áo lượn, tay dài hoặc ngắn, cổ tay hẹp. Các cô gái trẻ mặc áo có cổ cao từ 4 - 7 cm, bên trong hồ vải cứng, góc tròn. Các bà thường mặc quần đen còn các cô thường mặc quần trắng.

    áo dài tân thời

    Vào mùa nóng, áo dài cưới được may bằng vải lụa mỏng, màu sáng và có họa tiết hoa nhỏ. Mùa lạnh thì áo dài cưới được may bằng các loại vải nhung, len, dạ, gấm hoa hoặc lồng hai cái cho ấm. Trang sức giai đoạn này thường là kiềng và dây chuyền mặt tròn khắc chữ thọ, có người đeo chuỗi ngọc trai hoặc vòng chạm, vòng huyền. 

    áo dài cưới cô dâu xưa

    Từ sau năm 1954, áo cưới truyền thống Việt Nam thường là áo dài trắng tinh khôi. Chú rể có thể mặc áo dài truyền thống hoặc mặc lễ phục kiểu Tây với áo comple, giày tây và thắt cà vạt. Với những đám cưới đơn giản hơn, nhiều cặp đôi mặc trang phục trông không khác gì trang phục hàng ngày, chỉ là đồ được may mới và cô dâu thường mặc áo trắng, tay cầm hoa. 

    áo dài cưới ngày xưa

    Thời kỳ sau 1975 

    Sau khi đất nước thống nhất, váy cưới bắt đầu phổ biến hơn với các mẫu váy công chúa có phần chân váy xòe bồng, chiết eo và sử dụng ren hoặc hoa văn cầu kỳ. Phụ kiện và áo cưới giai đoạn này trở nên phong phú và đa dạng hơn với khăn voan, vòng hoa, cài tóc, trang sức bằng đá quý và ngọc trai. Váy cưới giai đoạn này cũng có nhiều màu khác nhau nhưng màu trắng được ưa chuộng hơn cả.

    trang phục cưới truyền thống của việt nam

    Trang phục cưới truyền thống Việt Nam ngày nay

    Ngày nay, váy cưới và áo dài cưới đều được lựa chọn trong lễ cưới. Trong các nghi thức truyền thống như dạm ngõ, lễ gia tiên hoặc rước dâu, áo dài truyền thống vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều cô dâu. Áo dài cưới thường có màu trắng hoặc đỏ kèm theo họa tiết áo dài tinh xảo. Phụ kiện đi kèm có thể là khăn voan, cài tóc hoặc trâm để tăng thêm vẻ duyên dáng cho cô dâu.

    áo dài cưới truyền thống

    Sau các nghi thức truyền thống, cô dâu có thể diện váy cưới màu trắng trong các buổi tiệc tiếp đón quan khách. Váy cưới cũng có nhiều loại khác nhau như váy cưới công chúa, váy cưới đuôi cá, váy cưới dáng chữ A, váy cưới boho,... Kèm với váy cưới hoặc áo dài cưới truyền thống Việt Nam, cô dâu sẽ cầm theo hoa cưới để hoàn thiện bộ trang phục. 

    váy cưới cô dâu

    Trong những năm gần đây, nhiều cặp đôi trẻ Việt Nam đã chọn mặc trang phục cưới cổ xưa trong các bộ ảnh cưới hoặc lễ cưới của mình. Những bộ áo dài, áo tấc hay áo Nhật Bình không những đẹp mắt, ấn tượng mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là cách để thế hệ trẻ khẳng định lòng tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong thời đại hội nhập.

    đám cưới cổ phục Việt Nam

    Tổng kết

    Trang phục cưới truyền thống Việt Nam là chiếc cầu nối đưa chúng ta trở về với cội nguồn văn hóa và lịch sử dân tộc. Từ áo tứ thân cho đến áo dài cưới và váy cưới ngày nay, mỗi bộ trang phục đều ghi đậm dấu ân thời gian và đặc điểm của từng thời kỳ lịch sử. Hy vọng bài viết trên của HEHADA đã giúp bạn hiểu được sự phát triển của áo cưới truyền thống Việt Nam và truyền cảm hứng để các bạn tiếp tục giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hiện đại. 

     

    Bài viết liên quan